Bồ tát Quán Thế Âm


1- Bồ Tát Quán Thế Âm

Chúng ta nhận thức được rằng, chỉ từ bi vô ngã vị tha mới gội sạch những nổi sầu hận và khổ đau. Chỉ có năng lực đó mới giải hóa hết bao nỗi oan khiên trong lòng nhân loại và pháp giới chúng sanh. Trong muôn vạn tình thương, chỉ có tình thương vô phân biệt, vô điều kiện mới đem đến sự an lành tuyệt đối cho mọi người, tình thương ấy có trong Bồ tát Quán Thế Âm. Trong vụ trụ mênh mong vô cùng tận với muôn ngàn ánh sáng, nhưng chỉ có ánh sáng phát ra từ Chân Tâm là kì diệu nhất. Ánh sáng ấy có trong pháp thân thanh tịnh của Bồ Tát Quán Thế âm. Trong khắp pháp giới chúng sanh với vô lượng thứ âm thanh, những âm thanh phát ra từ cảnh tai nạn khổ đau là được Bồ tát Quán sát thấu triệt để ứng thân hóa độ.

Quán Thế Âm Bồ Tát nguyên tiếng Phạn là Avalokiteśvara, ngài Trúc Pháp Hộ dịch là Quang Thế Âm. Đời Diêu Tần, Ngài Cưu Ma La Thập dịch là Quán Thế Âm. Đời Đường, Ngài Huyền Trang Pháp sư dịch là Quán Tự Tại. Quán Thế Âm Bồ Tát được nhiều kinh điển Đại Thừa Phật Giáo nhắc đến. Công hạnh của Bồ Tát Quán Thế Âm là thị hiện để hộ trì cho Đức Phật Thích Ca truyền bá đạo giải thoát, cứu khổ chúng sinh và khuyến phát công hạnh Bồ Tát hướng đến quả vị viên mãn. Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng cho bản nguyện từ bi của chư Phật. Ngài ứng hiện muôn ngàn thân tướng sai khác khắp mười phương cỏi nước để giáo hóa chúng sanh. Quán Thế Âm Bồ Tát, Quán là chủ thể quán sát âm thanh để làm Phật sự, Thế Âm là đối tượng chúng sanh ở trong đời được cứu độ. Bồ Tát là bậc luôn thực hành đạo giải thoát, thức tỉnh chúng sanh lìa xa khổ nạn trong đường sanh tử. Chủ thể quán sát và đối tượng quán sát không hai, thể nhập pháp tánh bình đẳng, phát nguyện độ sanh mà thành tựu Đại Bi Tâm, đó là công hạnh chính yếu của Bồ Tát Quán Thế Âm.

2- Bổn nguyện Quán Thế Âm

Trong đời, đôi lúc có những người giúp đỡ gì cho ai đều có ý muốn người khác phải mang ơn và sau này phải trả ơn cho họ. Bồ Tát không như thế, bất cứ ai trong cơn hoạn nạn kêu đến danh hiệu Ngài thì Ngài lập tức giúp đỡ mà không kèm theo một điều kiện nào hết. Đó chính là bổn nguyện cao đẹp của Bồ Tát Quán Thế Âm. Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn chép rằng: “Nếu có vô lượng trăm nghìn muôn ức chúng sinh chịu các khổ não, nghe Quán Thế Âm Bồ Tát này một lòng xưng danh. Quán Thế Âm Bồ Tát tức thời quán sát rõ biết, đều đưọc giải thoát.” Vì sao Niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm được thoát vô số nạn khổ, đó là do oai lực của Bồ Tát. Hoặc như Kinh Phổ Môn giải thích là do “Do sức Niệm Quán Thế Âm”. Những ai có lòng thành chí niệm thì có sự cảm ứng, vấn đề này lý trí phàm tình khó nghĩ bàn được. 

Nhất tâm xưng niệm danh hiệu Bồ Tát thì tâm chúng ta thanh tịnh. Vì niệm Bồ Tát Quán Thế Âm thì dứt trừ mọi vọng niệm ô nhiễm, tiêu trừ tội chướng. Nếu chuyên Tâm Niệm dần dần thành tựu chánh định và phát sanh tuệ giải thoát. Kinh Phật thuyết Thập Nhứt Diện Quán Thế Âm Thần Chú có chép rằng: “Nếu có người nam người nữ nào, cho đến tất cả chúng sanh ngày đêm chuyên cần xưng danh hiệu tôi đều đạt đến ngôi vị bất thối, hiện tại xa rời tất cả khổ nạn, tất cả chướng ngại, tất cả sợ hãi và ba nghiệp tội được tiêu trừ.” 

Bồ Tát Quán Thế Âm là hiện thân của một Vị Phật quá khứ, thì thần lực của Quán Thế Âm là thần lực của Phật. Ngài không những cứu giúp những chúng sanh đang lâm nạn mà còn khuyến phát các hành giả tu đạo hướng đến ngôi vị bất thối. Đức Phật khuyên tất cả chúng sanh cho đến các hàng Thánh Giả luôn hết lòng cung kính công đức và bổn nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà la Ni có dạy rằng: “Vị Bồ Tát này tên là Quán Tự Tại, vô lượng kiếp quá khứ, đã đắc quả vị Phật hiệu là Chánh Pháp Minh Như Lai, đại bi nguyện lực, vì muốn phát khởi tất cả các hạnh Bồ Tát, làm an lạc thuần thục các chúng sanh mà hiện thân Bồ Tát. Này hết thảy chúng sanh, chư đại Bồ Tát, Phạm Vương, Đế Thích, Long Thần đều nên cung kính, chớ có khinh mạn.”

Tán dương hạnh nguyện của Quán Thế Âm là sống với tâm hồn vô ngã vị tha, là thể hiện tiếng nói hòa bình, tiếng nói yêu thương trong lòng nhân loại. Đó là một phương pháp tu hữu hiệu được lợi ích và an lạc trong đời hiện tại và tương lai. Kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, Đức Phật Thích Ca tán thán đức Quán Thế Âm rằng: “Nếu có hàng Trời, Rồng, hoặc người Nam, người Nữ, hoặc Thần, hoặc Quỷ, cho đến tất cả chúng sanh trong lục đạo, nghe tên của Ông (Bồ Tát Quan Thế Âm) mà sanh lòng ngưỡng mộ tán thán thì ở nơi đạo vô thượng không còn bị thối chuyển, thường sanh ở chốn trời người, sống đời tịnh lạc, khi nhân quả thành thục, gặp Phật thọ kí.”

Kinh Pháp Hoa hay Kinh Lăng Nghiêm đều nói Bồ Tát Quán Thế Âm hiện thân với ba mươi hai thân tướng để cứu độ chúng sanh. Chúng ta phải hiểu rằng Bồ Tát Quán Thế Âm chính là Chánh Pháp Minh Như Lai quá khứ đã chứng nhập pháp thân thanh tịnh, thành tựu nguyện lực đại bi, tự tại hóa hiện vô biên thân tướng. Bồ Tát ứng theo căn cơ chúng sanh mà thị hiện vào các cỏi nước để giải thoát chúng sanh.

3- Bồ Tát Quan Thế Âm và ý nghĩa vãng sanh

Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đam mê dục lạc, nghiệp chướng sâu dày nên chìm đắm trong biển khổ sanh tử. Do niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cầu tiêu trừ tai chướng và hoạn nạn trong đời sống, để đầy đủ nhân duyên tu tập đạo giải thoát. Đức Quan Âm và Đức Đại Thế Chí là hai vị đại Bồ Tát hộ trì Phật A Di Đà tiếp dẫn thập phương chúng sanh nguyện vãng sanh Tây Phương. Do đó mà phần lớn người tu Tịnh Độ rất tín ngưỡng về “Tây Phương Tam Thánh”, tức là Phật A Di Đà, Quan Âm và Thế Chí.

Kinh Đại Thừa Trang Nghiêm Bảo Vương có dạy rằng: “Nếu có người thường ý niệm danh hiệu Bồ Tát về sau sẽ xa lìa cảnh khổ luân hồi: Sanh, già, bệnh, chết. Giống như con thiên nga vương tùy theo gió mà bay đi, sớm sanh về Tây Phương Cực lạc, nghe diệu Pháp của vô lượng chư Phật. Người này vĩnh viễn không còn thọ luân hồi khổ, không còn tham, sân, si. Không còn nạn đói khổ, không có sanh già bệnh chết. Không còn thọ khổ do sanh ở bào thai, nương nơi oai lực Pháp, hóa sanh từ liên hoa ở cảnh Tịnh Độ”.

Bồ Tát Quán Thế Âm do vô lượng kiếp huân tu hạnh từ bi, thành tựu vô lượng Tam Muội. Chứng lục căn viên thông, giác chiếu khắp mười phương cỏi nước, thuyết thần chú vô ngại để giải trừ khổ nạn chúng sanh trong Tam Giới. Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni có chép rằng: “Quán Thế Âm Bồ Tát bạch Phật rằng: “Tôi có Đại Bi Tâm Đà La Ni Chú, nay muốn nói để tất cả chúng sanh được an lạc, đắc trường thọ, thịnh vượng, diệt trừ tất cả tội chướng, tăng trưởng tất cả thiện pháp, mau chóng đầy đủ mọi sự mong cầu”. Tâm chú là xuất phát từ tự tánh âm thanh thanh tịnh của Phật và Bồ Tát nói ra để giúp chúng sanh tẩy trừ tội chướng và phiền não. Nếu y Pháp mà thọ trì kinh chú dễ thành tựu phúc đức và trí tuệ. Đối người tu Mật Tông, hay Tịnh Độ Tông thường có thọ trì Kinh Chú, để tiếp nhận năng lực gia bị của Phật Bồ Tát, vững vàng tu đạo giác ngộ.

4- Bồ Tát Quán Thế Âm ở trong ta

Chúng ta không nhứt thiết phải đi đến những thánh tích như ở núi Phổ Đà Lạc Ca tại xứ Ấn Độ, ở Nam Hải Phổ Đà Sơn thuộc tỉnh Triết Giang Trung Hoa, hay những nơi khác chiêm bái Quan Âm mới có sự cảm ứng. Vì Bồ Tát thị hiện khắp mười phương cỏi nước, không riêng ở một quốc gia hay một xứ sở nào. Chúng ta sùng kính Bồ Tát Quán Thế Âm, không quên nhiệm vụ là phát huy phẩm hạnh từ bi của Bồ Tát ngay trong cuộc sống hiện thực. Khi Tâm chúng ta có tình thương rộng lớn, biết giúp đỡ và rung cảm trước nỗi đau của kẻ khác thì đã có hình ảnh Bồ Tát trong lòng mình.

Nếu chỉ niệm danh hiệu Bồ Tát để cầu sự giúp đỡ cho chúng ta thỏa mãn tham vọng ích kỉ thì không có linh ứng gì cả. Vì sự cầu nguyện hay xưng niệm đó chỉ nuôi lớn ý chí hướng ngoại, mang yếu tố Thần Linh ban phúc giáng họa, không phù hợp với bản nguyện đại bi của Bồ Tát. Dù bất cứ ở đâu, nếu chúng ta có lòng thành kính, thực hành chánh pháp, thì ở đó có Bồ Tát Quán Thế Âm bên ta và trong ta. Chúng ta xưng danh hiệu Quán Thế Âm thì chắc chắn giải thoát mọi khổ nạn. Niệm như thế nào? Theo Kinh dạy cách niệm là:“Nhất Tâm xưng danh hiệu Quán Thế Âm”. Nhứt Tâm có nghĩa là xa lìa tất cả phiền não và vọng tưởng điên đảo. Về sự mà nói là có lòng chí thành mà xưng niệm lẽ tất nhiên cảm ứng sự gia hộ của Bồ Tát. Nhưng còn ý nghĩa khác là Lý Nhất Tâm, tức nhận thức rằng: Tâm chúng sanh và tâm Bồ Tát vốn vô sai biệt, nhất tâm là đạt đến cảnh giới vô ngã, chứng đắc thật trí.

Bồ Tát đem hạnh phúc cho mọi người, xây dựng và phát huy đạo giải thoát ở thế gian. Vì chư Phật hay chư vị Bồ Tát không muốn chúng ta phải làm chúng sanh mãi, thường dạy rằng chúng ta có khả năng làm Phật và làm Bồ Tát. Các Ngài luôn khuyên chúng ta nên siêng tu tập thiện pháp ngay trong cuộc đời này để sống an lạc. Niệm Bồ Tát là để chuyển hóa tâm chúng ta có đầy đủ đức tính từ bi như Bồ Tát.

5- Vận dụng tu học

Cái bất hạnh lớn nhất của con người là không có chánh kiến đối với Phật Pháp nên chịu khổ đau sanh tử luân hồi. Nếu biết tu tập đúng đắn là điều hạnh phúc rất lớn của đời người. Có chánh kiến là quán chiếu tính chất vô thường của đời sống và mọi hiện tượng. Có chánh kiến là thấy được khổ đau và phương pháp giải hóa khổ đau. Hạnh phúc cá nhân và mọi người liên quan mật thiết với nhau. Con người với cộng đồng xã hội là một mối quan hệ tổng thể. Một người hiểu biết xây dựng hạnh phúc cho mình là tôn trọng hạnh phúc kẻ khác. Khi chúng ta ghét bỏ người khác tức là chính chúng ta đã ghét bỏ bản thân mình. Chất liệu của hạnh phúc con người là Từ Bi và Trí Tuệ, nói giản dị là tình thương và hiểu biết.

Phẩm hạnh Bồ tát Quán Thế Âm là tình thương và đức tính nhẫn nại, biết lắng nghe và chia sẽ nỗi đau cuộc đời. Con người đôi lúc do vì giận dữ và bảo thủ mà quên đi cuộc sống người khác. Do đó, họ không quán xét bản thân, có thói quen lên án và chỉ trích, thậm chí có thể là người thân hoặc ân nhân của họ. Hiện tượng đó làm con người mất khả năng yêu thương vốn có trong lòng. Lòng tham và giận thúc đẩy hành động si mê, nó hủy hoại đời sống cá nhân, gia đình và cộng đồng nhân loại.

Thực tế, con người khổ đau không hẳn vì nguyên nhân thiếu thốn vật chất mà do thiếu tình thương và sự hiểu biết. Do mất chánh kiến đối về nguyên lý nhân quả, con người quên đi đạo lý, sống bằng ý thức vọng động chi phối.

Bồ Tát Quán Thế Âm do biết thực hành Văn – Tư – Tu mà chứng được Nhĩ Căn Viên Thông, đạt được hạnh phúc chân thật. Văn tức là khả năng tiếp nhận mọi lĩnh vực âm thanh. Tư là khả năng thẩm sát mọi giá trị thông tin đó trên tinh thần khách quan. Tu là thực tập trọn vẹn tình thương và sự hiểu biết, xây dựng hạnh phúc giải thoát. Phương pháp lắng nghe của Bồ Tát Quán Âm là biết hướng vào nội tâm. Đó gọi là “Phản Văn Văn Tự Tánh”, tức là xoay cái nghe trở lại từ bản tâm sáng suốt. Chúng ta tiếp xúc mọi âm thanh với tâm phân biệt, nên tỏ thái độ nắm bắt và ghét bỏ. Bồ Tát từ cách biết lắng nghe mà làm chủ được ý thức, chuyển thức thành trí. Từ đó mọi hoạt dụng sáu căn Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý trong thân tâm đều thông dong tự tại. Bồ Tát có niềm vui giải thoát mới có đầy đủ năng lực giúp chúng sanh thoát khổ. Nếu chúng ta vận dụng được phương pháp ấy thì đời sống không bị phiền não chi phối. Dù bất cứ lúc nào và ở đâu cũng sống với tâm sáng suốt nên được an lạc. Đem năng lực đó giúp đời bớt khổ, đó là tu học theo hạnh Bồ Tát Quán Thế Âm.

Thích Đức Trí
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

THÔNG BÁO

Thông báo: Ghi danh Khóa tu lần thứ 12

Thông báo!! V/v Tổ chức khoá tu dành cho tuổi trẻ lần thứ 12 Nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ Vu Lan 2018, chào mừng Mùa Hiếu Hạnh...

Bài đăng mới nhất