Chúng ta đi chùa để làm gì?

Vừa qua, trên mạng lan truyền một clip ngắn về chuyện các bạn trẻ lên chùa nhảy nhót “phản cảm”. Chúng tôi đã gặp Thầy Trí Không, người đã từng tổ chức nhiều khóa tu ngắn ngày cho các bạn trẻ tại chùa Diệc, đồng thời là Chủ nhiệm của CLB Thanh niên Phật tử Sen vàng tại thành Vinh, nhờ thầy chia sẻ một số quan điểm về vấn đề trên.


PV: Xin chào Thầy! Chắc Thầy cũng đã biết Clip ngắn về chuyện các bạn trẻ đến chùa nhảy nhót, đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt ở trên mạng trong thời gian vừa qua chứ ạ?

Thầy Trí Không: Vâng, chúng tôi cũng có xem qua.

PV: Thầy có thể chia sẻ cách nhìn của Thầy về Clip trên được không?

Thầy Trí Không: Với tư cách bạn đọc, nếu chỉ xem qua clip ngắn đã được chia sẻ thì nhìn chung, tôi cũng như hầu hết các bạn đọc, đều cảm nhận thấy có điều gì đó không ổn, nếu không muốn nói, đó là những hình ảnh không được đẹp lắm.

PV: Thầy có thể nói rõ thêm được không ạ?

Thầy Trí Không: Vâng, với bất cứ ai xem qua Clip trên, đều có chung một cách nghĩ và một cách phán đoán. Tuy vậy, để đánh giá một cách tổng thể và toàn diện, đặc biệt là đánh giá về nhân cách của một cá nhân lẫn một cộng đồng, không thể nhìn nhận qua vài hành động cá biệt.

Tôi được biết clip đang được lan truyền trên mạng kia được cắt ghép từ một Khóa tu dài 5 ngày, dành cho các cháu trong độ tuổi từ lớp 6 đến lớp 9, và hình ảnh các cháu nhảy nhót đó diễn ra vào lúc bế mạc khóa tu, có sự đứng chờ của phụ huynh hai bên hành lang.

Và như bạn biết đấy, đánh giá một hiện tượng mà tách ra khỏi bối cảnh chung của nó đều là những phán đoán mang tính phiến diện.

PV: Thầy thấy gì qua các bình luận (comment) của mọi người trên Facebook?

Thầy Trí Không: Nhìn chung, chúng tôi thấy có hai luồng ý kiến: Các bạn đã từng hoặc trực tiếp tham gia khóa tu dành cho giới trẻ, thì ngỏ ý bênh vực. Còn hầu hết, những người chưa từng tham gia khóa tu dành cho giới trẻ nào hoặc có cách nhìn tương đối truyền thống thì lên án một cách khá mạnh mẽ.

PV: Và quan điểm của Thầy về các bình luận đó?

Thầy Trí Không: Trước hết, tôi phải thừa nhận rằng, những hình ảnh trong clip cắt ghép kia là những hình ảnh chưa được “chuẩn mực” theo như những gì chúng ta đã được biết về chùa chiền.

Theo lý thuyết, cũng như cách hiểu truyền thống của mỗi chúng ta, thì chùa chiền là chốn tuyệt đối linh thiêng, nơi phục vụ tín ngưỡng, giáo dục đạo đức... nên cần phải thanh tịnh, không ồn ào, không tạp nhiễm. Hầu như chúng ta về chùa, chính là để tìm kiếm sự bình an nội tại cũng như nơi thể hiện những ước mơ chính đáng của mỗi người. Và dĩ nhiên, với cách hiểu như vậy, việc các bạn trẻ “nhảy nhót” trong chùa, hoặc đến chùa “selfie”… là không thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cách hiểu như trên còn nặng về lý thuyết thuần túy và thật sự chưa uyển chuyển với thực tế cho lắm. Nếu áp dụng lý thuyết trên một cách máy móc, tôi nghĩ rằng, chẳng mấy chốc, chùa chiền chỉ dành cho những ai có nhu cầu cầu an, cầu siêu với ê a câu kinh tiếng kệ.

Như các bạn đã thấy, mặc dù Giáo luật của Đức Phật nghiêm cấm người tu không được xem nghe ca nhạc… vì nó làm tâm thức người tu đắm nhiễm vào những cảm xúc ủy mị… Tuy vậy, để chuyển tải Phật pháp một cách linh động, khế lý khế cơ, đã có rất nhiều nhạc sỹ và thi sỹ thi hóa, nhạc hóa kinh Phật… để giúp Phật giáo gần gũi hơn với xúc cảm người nghe. Chúng tôi đã từng nghe một bản phối lại Thần chú Đại bi của một ca sỹ trẻ, có thể chưa thành công lắm, nhưng chí ít điều đó cũng nói lên nỗ lực của một người có tâm muốn đem đạo vào đời.

Cũng tương tự như thế, đứng trước một thực trạng xã hội mà đạo đức giới trẻ đang xuống cấp một cách đáng báo động, Phật giáo nói chung và những người làm công tác hoằng pháp như chúng tôi không thể làm ngơ. Rất nhiều các Khóa tu dành cho tuổi trẻ, ngắn ngày có, dài ngày có, sinh hoạt ngoại khóa có, dã ngoại thiền biển có….được mở ra từ Bắc đến Nam, cũng chỉ nhằm mục đích đưa Đạo Phật đến với tuổi trẻ, giúp các bạn trẻ hiểu biết và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình với xã hội, với gia đình, với người khác và với chính bản thân mình…

Theo tinh thần khế lý khế cơ mà Đức Phật đã hướng dẫn, chúng tôi không thể giảng dạy giáo lý đạo Phật một cách rập khuôn, máy móc… cho tất cả người nghe mà không quan tâm đến sự khác biệt giới tính, tuổi tác, văn hóa vùng miền... Đó là lý do khi chúng tôi giảng dạy cùng một chủ đề nhưng nói cho người lớn tuổi thì nói một cách, nói cho người trung tuổi một cách khác, nói cho người trẻ tuổi lại một cách khác hơn nữa.

Cũng tương tự như vậy, khi lên chương trình cho một Khóa tu, đối với các Phật tử lớn tuổi, chúng tôi thiết kế một chương trình thiên về phần thực tập tâm linh hơn so với giới trẻ; còn đối với giới trẻ, chúng tôi lại nghiêng về các hoạt động ngoại khóa, gắn kết các em qua các bài hát, các trò chơi dân gian…., giúp các em về chùa như về “ngôi nhà thứ hai” của bản thân mình. Khi các em siêng năng đến chùa rồi, lúc đó chúng tôi mới đem giáo pháp, đạo đức giảng dạy để các em huân tập dần dần, chuyển hóa dần dần… Đó là cách mà chúng tôi đã và đang áp dụng trong nhiều năm tham gia giảng dạy các khóa tu mùa hè.

PV: Thầy nghĩ sao về hiện tượng các bạn trẻ đến chùa ăn mặc “phản cảm”, hoặc đến chùa chỉ để “chụp hình khoe facebook”?

Thầy Trí Không: Tôi luôn cho rằng, một khi các bạn trẻ đến chùa được 5 phút thì xã hội bên ngoài sẽ bớt đi một cá nhân “có thể” gây hại trong 5 phút… Cũng tương tự như thế, có thể những hình ảnh như ăn mặc hở hang hoặc đến chùa mà lúc nào cũng chăm chăm chụp hình… chưa phải là hình ảnh đẹp, nhưng nhìn dưới khía cạnh tích cực, biết đến chùa đã là một điều đáng khích lệ.

Chúng tôi đã từng có dịp trò chuyện với một bạn trẻ làm nghề “xăm”, trên người bạn ấy có rất nhiều hình xăm quái dị, tóc tai nhuộm màu, đeo khuyên trên người… Nếu nhìn sơ qua, có lẽ ngay cả bạn cũng có cái nhìn thiếu thiện cảm về họ. Bạn trẻ ấy đến gặp chúng tôi, than phiền rằng bị các bạn thiện nguyện của một khóa tu từ chối không cho tham gia, vì sợ ảnh hưởng đến người khác. Bạn trẻ ấy có nói với chúng tôi rằng, “Vì con chưa tốt thì con mới cần tham dự khóa tu, để biết điều gì là tốt mà thực hành, điều gì sai mà sửa chữa. Nếu con tốt rồi, thì còn cần tu làm gì nữa?” 

Bạn thấy không, bạn trẻ ấy nói đúng đấy chứ?! Nếu ai trong chúng ta cũng đều là người tốt cả rồi thì chúng ta đâu có cần tu. Ngày xưa, trong giáo đoàn của Đức Phật có một người tên là Ương Quật Ma, ông này là một kẻ sát nhân, nhưng nhờ sự cảm hóa của Đức Phật mà trở nên lương thiện. Sát nhân mà biết tu thì vẫn có thể trở thành Thánh nhân, còn hơn là khối người không giết người bằng dao, mà giết người bằng miệng lưỡi bình luận ác ý.

Điều tôi muốn nói ở đây là gì? Là chúng ta đừng đòi hỏi tất cả những người đến chùa đều phải là thánh cả, nghĩa là tuyệt đối chuẩn mực như lý thuyết. Không đâu, sẽ có người đến chùa chỉ để chụp hình cho người ta biết mình đi chùa đấy, sẽ có người đến chùa chỉ để cầu xin buôn may bán đắt đấy… Nhưng phải từ từ bạn ạ, chuyển hóa một nhận thức là cả một quá trình, chuyển hóa hành động và thói quen lại càng cần nhiều thời gian hơn nữa. Vì thế, chúng tôi chấp nhận cho những người chưa biết tu, chưa biết đạo… đến với chùa, và chỉ cần cái duyên nho nhỏ như thế, chúng tôi sẽ có cơ hội để hướng dẫn và dìu dắt họ tìm ra con đường đúng để đi.

PV: Trở về câu chuyện clip của các bạn trẻ kia, Thầy có điều gì nhắn nhủ tới các bạn đọc không ạ?

Thầy Trí Không: Chúng tôi thấy, có một số bạn phản ứng vì chuyện mở nhạc trẻ và nhảy nhót ngay nơi tôn nghiêm. Tuy hình ảnh đó không hay, nhưng trước khi đánh giá, tôi thiết nghĩ chúng ta nên đặt nó vào từng hoàn cảnh cụ thể.

Giả dụ như khi nhà bạn khá giả, có điều kiện xây 3 4 tầng lầu, thì lầu cao nhất thường dành cho việc thờ phụng ông bà tổ tiên, và dĩ nhiên, nơi đó hẳn nhiên là nơi trang nghiêm mà con cháu trong nhà không được vào đùa giỡn. Nhưng nếu như nhà bạn không có điều kiện xây 3 4 tầng lầu, mà chỉ là căn nhà cấp 4. Một không gian vừa dùng để sinh hoạt gia đình, ăn uống ngủ nghỉ, chơi giỡn của trẻ con… Chả lẽ vì vậy mà bạn không thờ gia tiên? Hẳn nhiên là khi nào thắp nhang giỗ chạp thì khi đó nơi ấy cần sự tôn nghiêm, còn bình thường, chúng ta vẫn thờ gia tiên, vẫn dùng để sinh hoạt gia đình, đúng không nào?!

Cũng tương tự như thế, không phải ngôi chùa nào cũng có một không gian sân vườn thoáng đãng dành cho tất cả các bạn trẻ hoạt động ngoại khóa. Có chùa chỉ có một không gian duy nhất, vừa thờ Phật, vừa giảng pháp, vừa tụng kinh, vừa ngồi thiền, vừa thọ trai… và kể cả các hoạt động nghỉ ngơi giữa khóa tu. Đó là một thực tế, trong điều kiện diện tích hạn hẹp như hiện nay. Thiết nghĩ, chúng ta hãy tự trang nghiêm thân tâm, tùy vào từng sự kiện, hẳn nhiên bạn sẽ thấy không gian cũng trang nghiêm và thanh tịnh như chính thân tâm bạn vậy.

Đối với các phóng viên báo đài khi đưa tin, chúng tôi nghĩ rằng, các bạn nên ý thức về sứ mệnh rất lớn của truyền thông. Một hiện tượng bị cắt ghép ra khỏi bối cảnh của nó, dễ dẫn đến một sự hiểu lầm mang tính phổ quát. Rất có thể, sau clip trên, nhiều người sẽ hiểu sai về các khóa tu cho giới trẻ, nhiều người lên tiếng chê bai mắng nhiếc Phật giáo – một tôn giáo lấy tình thương và sự tỉnh thức nhằm đem lại an vui cho mọi người. Chúng tôi nghĩ rằng, nếu trước khi đăng tin bài hoặc giật một cái title nào đó, các bạn dành chút thời gian để tìm hiểu gốc gác ngọn ngành tin tức mà mình đang chuẩn bị đăng, cần thiết hơn nữa, các bạn có thể đăng ký tham gia một khóa tu dài ngày hoặc ngắn ngày… để trực tiếp chứng kiến sự tu tập và chuyển hóa của các em, hẳn nhiên sẽ không có những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra.

Đối với các bạn đọc, các bạn cũng như chúng tôi, ai cũng sẽ dễ dàng buông ra lời phán đoán, đánh giá hoặc nhận xét những gì chúng ta đang được thấy. Tuy vậy, chỉ cần “dừng” lại 5 phút thôi, trước khi bình luận, trước khi buông lời chê bai mắng nhiếc… để xem thông tin chúng ta đang được nhìn là gì? Tại sao có nhiều phụ huynh, người lớn đứng ở đó mà không ngăn cản?... Và quan trọng hơn hết, “tu” chính là sửa, “chùa” là nơi để “sửa”, sửa những cái chưa hay thành hay, chưa tốt thành tốt. Sửa chữa thì cần có thời gian, tu tập cần có lộ trình, không thể ngày một ngày hai là thành Phật, thành Thánh ngay được. Hãy bao dung, rộng lượng trước những hình ảnh chưa được đẹp, có thể nhắc khéo Ban tổ chức, có thể khuyến khích các em cần làm điều phải, hạn chế điều chưa phải…. Mỗi lời nói của chúng ta, tuy không là dao, nhưng còn sắc hơn cả dao, có thể giết người, huống gì những người trong clip mới chỉ đáng tuổi con tuổi cháu của chúng ta…

Đối với Ban tổ chức, đặc biệt là các bạn phụ trách quản sinh, chúng tôi nghĩ rằng, có thể phương tiện, nhưng cũng không nên chiều chuộng theo cảm xúc của các em khóa sinh quá. Các em đang độ tuổi ham vui, ham chơi… thì chúng ta có thể nhẹ nhàng chuyển hóa, hướng cái ham vui ham chơi đó thành vui trong chính pháp, chơi trong chính pháp… Diệu dụng nhiều phương tiện, chúng tôi nghĩ rằng, vẫn có thể thành tựu được mục đích của Khóa tu, mà không tạo phản cảm của những người “chưa nắm đủ thông tin”.

Điều cuối cùng, tôi xin kể cho các bạn một câu chuyện nhỏ: “Có hai thiền sinh, một thiền sinh rất giỏi và tốt, được nhiều người yêu mến… đánh nhau với một thiền sinh rất lười, bị nhiều người ghét bỏ. Câu chuyện đánh nhau của hai thiền sinh được đưa lên Thầy trụ trì phân xử. Khi họp, đại chúng đều nhất quyết đỏi đuổi vị thiền sinh lười biếng và bị nhiều người ghét bỏ kia ra khỏi chùa. Riêng Thầy trụ trì lại đưa ra một kết luận khác: Nếu đại chúng nhất quyết đòi đuổi một trong hai vị, thì tôi sẽ đuổi vị thiền sinh giỏi kia đi và giữ lại thiền sinh vừa lười biếng và hư thân này lại. Vì sao vậy? Vì vị thiền sinh vừa giỏi vừa tốt kia, nếu không có đại chúng, vẫn có thể sống độc lập được, vẫn trở thành người tốt được. Riêng vị vừa hư hỏng vừa lười biếng kia, nếu bị đuổi ra ngoài sẽ trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. Chùa chúng ta, không bảo bọc được họ, không giúp được họ thì ai sẽ bảo bọc, nuôi dưỡng và sửa chữa họ đây?!”

Cũng thế đấy các bạn ạ, chùa có thể là nơi là để các bạn tìm về sự bình yên của tâm hồn, chùa còn là môi trường để sửa chữa những điều chưa tốt thành tốt, trưởng dưỡng những điều đã tốt rồi thành tốt hơn nữa. Đến chùa là để sửa chữa, sửa chữa thì cần có thời gian. Chúng ta cần nhiều hơn sự bao dung với vòng tay của yêu thương và đôi mắt của sự tỉnh thức.

PV: Xin cảm ơn Thầy đã dành thời gian chia sẻ cùng mọi người.

Thầy Trí Không: Xin chào và chúc bạn sức khỏe!

Nhóm Phóng viên


CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

THÔNG BÁO

Thông báo: Ghi danh Khóa tu lần thứ 12

Thông báo!! V/v Tổ chức khoá tu dành cho tuổi trẻ lần thứ 12 Nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ Vu Lan 2018, chào mừng Mùa Hiếu Hạnh...

Bài đăng mới nhất