Cõi thanh tịnh

Hồi còn bé, nhà tôi ở trên khu tập thể Quang Trung, nhìn sang bên kia đường thấy một ngôi chùa nhỏ khép nép bên cửa tam quan lừng lững. Tôi tò mò hỏi mẹ: 

- Đây là chùa gì hả mẹ? Sao chùa nhỏ mà cửa chùa lại cao, rộng thế?

- Chùa Diệc đấy con ạ, ngày xưa có một ngôi chùa cổ rất lớn ở đây, khuôn viên rộng rãi, cây xanh tươi tốt. Theo lời các ông, các bà truyền miệng nhau kể lại thì chùa có từ trước cả khi đất Vinh được Vua Thành Thái ký đạo dụ lập thị xã, qua mấy lần trùng tu thành một ngôi chùa lớn nhất, nhì vùng này. Đến bây giờ vẫn còn lại hai tấm bia ghi chép về lịch sử hai lần trùng tu chùa…


Cổng Tam quan của chùa cổ được lưu giữ đến ngày nay.

Vốn là đứa trẻ giàu tính hiếu kỳ, tôi rủ rê mấy đứa trẻ trong xóm đi “khám phá” chùa cổ. Theo như các truyện cổ tích tôi đọc được, ở chùa bao giờ cũng có các chú tiểu ngày ngày cần mẫn quét lá rụng trước sân chùa, đi gánh nước, chép kinh Phật. Nhưng sau nhiều lần quan sát, chẳng thấy chú tiểu nào trạc tuổi tụi tôi mà chỉ thấy mấy cô, mấy bác lớn tuổi đều đặn đến quét dọn để cảnh chùa đỡ vắng lạnh. Thế là tôi đâm chán, không thích thú tìm hiểu về chùa cổ nữa…

Bẵng đi một thời gian dài, tôi vụt lớn thành cô sinh viên rồi đi học xa nhà từ đấy. Ngày trở về, thành phố đổi khác như khoác lên mình bộ áo mới, nhà tôi cũng chuyển ra vùng ngoại ô. Không kịp từ biệt mấy đứa bạn cùng nhà tập thể, tôi buồn ngẩn ngơ. Khu tập thể cũ kỹ ở trung tâm thành phố, bên kia đường nhìn sang ngôi chùa cổ im lìm nép mình bên vách tường thời gian…

Nhưng chùa Diệc nay không im ắng, đìu hiu như trong ký ức tuổi nhỏ của tôi nữa. Không còn ngôi am tự nhỏ với khoảng sân chỉ khoảng trăm mét vuông căng bạt tạm bợ mà trên khoảng đất ấy bây giờ đã có nhà bái đường, gian chính điện lát gạch, lợp mái tôn rộng rãi cho chư tăng, phật tử dâng hương, tụng kinh và tiến hành các nghi lễ phật sự. Đều đặn từ thứ Hai đến thứ Bảy trong tuần, mỗi khi đi qua đường Quang Trung - cung đường trung tâm nhộn nhịp bậc nhất thành phố - không thể không chững lại giây lát trước gian bái đường sáng trong ánh nến và tiếng tụng kinh niệm Phật như ru dịu lòng người. Quần chúng phật tử tìm về chùa Diệc ngày càng đông đúc, nhất là vào những ngày Chủ nhật cuối tháng có Hoà thượng thuyết pháp hoặc vào các ngày 14, 15, 30, mồng 1 hàng tháng khi có lễ Tụng kinh Sám hối và kinh Dược Sư cầu Quốc thái dân an. 

Hôm nay cô bạn thân rủ đi chùa dự khai kinh tuần lễ Vu Lan, nhiều năm rồi mới lại đặt chân qua bậc thềm bước vào cửa chùa, một cảm giác thân quen bất chợt ùa về. Tôi cúi đầu trước cổng Tam quan khi xưa từng rủ chúng bạn nấp vào chơi trốn tìm, thầm gửi lời chào đến từng viên gạch, từng hòn đá nhỏ. Đến bây giờ tôi mới biết, chùa Diệc - tên gọi giản dị và thân thương mà người ta hay dùng - mang cái tên thực sự đầy trang nghiêm, cổ kính là “Tùng lâm diệc cổ”. Nhưng tại sao lại là diệc nhỉ? Cô bạn giải thích: “Tương truyền khi xưa nơi đây là đồng màu có nhiều ao chuôm do nông dân đào để lấy nước tưới canh tác. Nhưng bỗng năm nọ hạn hán lớn xảy ra, ao chuôm khô kiệt, cá tôm chết nổi đầy đồng, đồng điền quạnh hiu. Nhưng chỉ sau một đêm, chim diệc từ đâu bay về đầy đồng, chen chúc nhau ở lòng các ao chuôm khô nứt nẻ. Bỗng nhiên trời đất tối sầm, gió mây vần vũ, giông tố nổi lên, mưa xuống xối xả. Nhưng khi ao chuôm đầy ắp nước cũng là lúc đàn chim diệc nằm chết la liệt. Người dân bảo đó là những con chim do trời, Phật phái xuống làm mưa cứu hạn. Họ nhặt xác chim diệc đắp thành một cái gò nhỏ. Từ đó, đêm nào từ gò đất cũng có một đàn diệc bay lên trời. Các cụ già nảy ra ý định xây chùa và người dân trong vùng quen gọi là chùa Diệc, theo sự tích về đàn chim diệc làm mưa”. 

Tôi ngạc nhiên nghe cô bạn thành thạo giảng giải về sự tích lập chùa, đang thắc mắc không biết vì sao cô nàng lại thông hiểu như vậy thì được giải thích: “Tớ theo mẹ, theo bà đi lễ chùa, rồi tham gia vào Câu lạc bộ thanh niên Sen Vàng, tham gia giúp đỡ các sư bác, sư thầy làm Phật sự, được kể cho nghe về sự tích ngôi chùa cổ này đấy”. Vừa lúc đấy, một nhà sư trông còn khá trẻ, chậm rãi bước tới chắp tay hành lễ rồi nói thêm: “Nữ thí chủ này nói đúng, nhưng chưa đủ. Nói là chùa cổ, bởi lịch sử hình thành từ lâu đời, nhưng đối với đời sống của người dân thành phố thì chùa Diệc không hẳn là “cổ”. Thời xưa, đối diện với cổng chùa chính là Trường Quốc học Vinh, tạo thành một quần thể văn hoá trung tâm của cả thành phố. Nhiều thời kỳ, phong trào trí thức yêu nước cũng có những mốc sự kiện ghi dấu tại ngôi chùa này. Nổi tiếng nhất là nhà yêu nước Phan Bội Châu, người đã chọn chùa Diệc làm nơi liên lạc bí mật với các đồng chí của mình. Năm 1926, nơi đây còn diễn ra cuộc mít-tinh lớn do Hội Phục Việt tổ chức nhằm yêu cầu xoá án cho đồng chí Phan Bội Châu và truy điệu đồng chí Phan Chu Trinh. Cũng mùa Xuân năm đó, cụ Phan Bội Châu đang bị giam lỏng ở Huế được về thăm quê, nhờ phong trào đấu tranh của nhân dân lên cao. Cuộc đón tiếp diễn ra vô cùng sôi động ở Vinh, với sự tham gia của nhiều học sinh, sinh viên xứ Nghệ. Những ngày đó, chùa Diệc mở cửa, thắp nến, ngày đêm vang tiếng mõ, tiếng chuông, cổ vũ tinh thần đấu tranh yêu nước của người dân thành phố…”.


Phật tử thắp hương ở bái đường.

Tôi kính cẩn nghiêng mình trước những gì còn sót lại của ngôi chùa cổ - tuy ít ỏi về mặt vật chất, chỉ một cổng Tam quan, hai bức bia đá và vài câu đối, hoành tự - nhưng bề dày lịch sử, tinh thần vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn như chưa từng biết đến đạn bom, khói lửa. Tôi nhắm mắt lại và mường tượng ra những bóng áo trắng học sinh, đôi mắt sáng long lanh vì nhiệt huyết tuổi trẻ và tinh thần yêu nước hay vì ánh nến lung linh phản chiếu? Một cõi thanh tịnh không vướng bụi trần nhưng cũng là nơi nhen nhóm và tiếp lửa cho tuổi trẻ sống có đạo lý, có chí hướng. Hôm nay đây, nơi này vẫn không hề thiếu vắng bóng áo trắng học sinh, sinh viên tìm về nương nhờ dưới bóng bồ đề thanh tịnh của cửa Phật. Hơn hai nghìn phật tử thuộc lứa tuổi thanh niên của câu lạc bộ Sen Vàng là minh chứng cho thấy sức lan toả, sức cảm hoá của đạo Phật - tôn giáo có lịch sử lâu đời nhất tại Việt Nam và đã hoà nhập một cách hết sức tự nhiên, trở thành một trụ cột vững chắc trong hệ giá trị, tín ngưỡng của người Việt. 

Nhẩn nha dạo bước, vãn cảnh chùa tịch mịch, một chốn thanh bình đến lạ lùng, hay nói đúng hơn là đến diệu kỳ giữa lòng thành phố đang hối hả đẩy nhanh nhịp sống. Có lẽ bản thân con người ta đến một lúc nào đó, sẽ tự cảm thấy trong tâm hồn cần lắm một khoảng trống, một khoảng lặng để tìm lại bản ngã, tìm lại những gì chân thiện nhất mà tạo hoá ban cho ta từ khi mới sinh ra trên đời. Để rồi bỗng nhiên giữa một sáng đời thường, giữa cuộc sống bộn bề khiến tâm hồn khát cháy, tiếng chuông chùa khuấy động trong lòng một dòng suối mát trong, tưới tắm cho tâm hồn ta bằng những đạo lý, lẽ luân thường nguyên thuỷ, bản năng mà chân phương nhất. Một tiếng động khiến mình chợt bừng tỉnh, nhìn xuống mặt hồ nhỏ chỉ còn thấy bóng đuôi vàng lấp lánh của chú cá chép nào tinh nghịch quẫy nước. Sực nhớ đến mẹ hôm qua dẫn đứa cháu nhỏ đi thả cá phóng sinh…

Bấm ngón tay đếm nhẩm, chỉ còn vài ngày nữa thôi là đến Rằm Tháng Bảy - Lễ xá tội vong nhân, cũng là Lễ Vu lan báo hiếu lên mẹ cha. Thầm nhủ trong lòng sẽ dành chút thời gian giữa bộn bề công việc để đưa mẹ đi lễ chùa, nghe thuyết pháp. Để ánh nến sáng trong soi tỏ cho con thấy tóc mẹ bạc thêm bao nhiêu, để bàn tay con vững chãi nắm lấy tay mẹ run run trong đêm Thắp nến Tri ân. Mẹ ơi, xin dâng lên người bông hồng cài áo…

Thục Anh
Theo baonghean.vn
CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

THÔNG BÁO

Thông báo: Ghi danh Khóa tu lần thứ 12

Thông báo!! V/v Tổ chức khoá tu dành cho tuổi trẻ lần thứ 12 Nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ Vu Lan 2018, chào mừng Mùa Hiếu Hạnh...

Bài đăng mới nhất