Tùng Lâm Diệc Cổ Tổ Chức Lễ Hành Hương Du Xuân Thập Tự

 Một mùa xuân nữa lại đến với biết bao nhiêu hy vọng về một năm mới an yên. Cứ mỗi độ đầu xuân, phật tử từ khắp mọi nơi lại thực hiện những chuyến hành hương về những ngôi chùa để du xuân, gạn lọc thân tâm, hướng đến điều lành, cầu mong những điều tốt đẹp, bình yên. Hòa trong không khí đó, vào sáng ngày mùng 6 tháng Giêng năm Bính Tuất ( tức ngày 21/2/2018) chư Tăng, phật tử chùa Diệc đã có chuyến hành hương đến 10 ngôi chùa nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ an.






 Đúng 7h sáng, đoàn hành hương xuất phát tại chùa Diệc. Địa điểm đầu tiên đoàn ghé thăm là Chùa Càn Môn (hay còn gọi là An Pháp tự) , một ngôi chùa tại Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ an. Được biết, chùa Càn Môn nằm trong cụm di tích danh thắng thị xã Hoàng Mai, thuộc phường Quỳnh Phương và một phần phường Mai Hùng, chùa được xây dựng từ lâu đời, là một di tích, danh thắng linh thiêng, nơi sinh hoạt tâm linh cho bàn con nhân dân và Phật tử trong vùng.








Từ Chùa Càn Môn, đoàn hành hương lại tiếp tục di chuyển tới chùa Bát Nhã.  Đây là một trong những ngôi chùa cổ hiện còn tồn tại đến ngày nay. Nói vậy, là bởi theo dòng chảy của thời gian cũng như biến thiên của lịch sử, nhiều ngôi chùa ở huyện Quỳnh Lưu – thị xã Hoàng Mai không còn giữ được nguyên trạng như ban đầu. Tuy chỉ  với dáng vóc khiêm tốn, nhưng từ lâu chùa Bát Nhã  là nơi của hàng trăm người dân Phật tử trong vùng tìm đến hành lễ. Dù chỉ là một ngôi chùa còn hoang sơ, giản đơn nhưng sự linh thiêng tại nơi đây khiến cho những phật tử trong chuyến hành hương luôn cảm thấy bình yên, tự tại.







Rời khỏi Chùa Bát Nhã, đoạn lại đến với chùa  Lam Sơn. Về với huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, những người con phật tử nói chung không thể không đến với ngôi chùa Lam Sơn. Đây là ngôi chùa gỗ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Chùa được xây dựng theo kiểu kiến trúc “nội công ngoại quốc” do những nghệ nhân từ Ninh Bình thi công. Đây là kiểu kiến trúc chùa chiền cổ phổ biến ở đồng bằng Bắc bộ. Chùa gồm các hạng mục nhà thờ Tổ; đại hùng bảo điện (hay còn gọi là Tam bảo); hai bên là lầu chuông và lầu trống; tả hữu hành lang; cổng tam quan và các công trình phụ trợ khác. 












 Tiếp đến, cũng nằm trong địa bàn huyện Quỳnh lưu, chư Tăng, phật tử Chùa Diệc lại tiếp tục ghé thăm hai ngôi chùa nằm trong  danh mục di tích cấp tỉnh theo quyết định số 1017/QĐ-UBND.VX của UBND tỉnh Nghệ An đó là Chùa An Thái ( Quỳnh Long) và Chùa Yên Thái ( Sơn Hải ). Hai ngôi chùa còn giữ lại được những pho tượng cổ cùng những di tích như giếng cổ linh thiêng, tượng Hộ Pháp cổ, và những vật gốc quý hiếm khác. 










Tạm rời xa những ngôi chùa cổ nằm trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu với những cảm xúc không tên, nhẹ nhàng, bình an, đoàn hành hương di chuyển tới một ngôi chùa được khá nhiều người biết đến dưới cái tên thân thương, quen thuộc là Chùa Gám ( Chùa Chí Linh) nằm trên địa bàn huyện Yên Thành.  Đây là một ngôi chùa nằm trong quần thể khu du lịch Sông Dinh - Rú Gám, một biểu tượng về niềm tự hào của người dân nơi đây.  Chí Linh tự là một ngôi chùa nằm yên lặng giữa vùng thôn quê Yên thành, tách xa với không khí khói bụi, ồn ào ngoài phố phường. Về với Chí Linh tự, người phật tử luôn cảm nhận được sự an yên, linh thiêng nơi đây.






 Sau khi bái Phật và vãn cảnh chùa Chí Linh, chư Tăng phật tử lại di chuyển đến thăm chùa Cổ Am tại Diễn Minh, Diên Châu. Đến với chùa Cổ Am, chúng ta sẽ được hòa mình vào không gian thiên nhiên với một núi Lèn xanh tươi cùng vô vàn thảo mộc. Ngoài ra, ta còn được chiêm ngưỡng những kiến trúc độc đáo cổ xưa pha lẫn nét hiện đại của ngôi cổ tự giữa lưng chừng Lèn và Đại Hùng Bảo Điện ở cạnh chân Lèn. Đặc biệt, tại đây còn có đặt tượng phật bà Quan Âm lớn nhất Nghệ an với 3 mặt hướng về 3 phía khác nhau vô cùng sống động và chân thực. 







 Màn đêm đã dần buông xuống nhưng đoàn hành hương vẫn tiếp tục trên chuyến xe du xuân vãn cảnh chùa. Những hạt mưa xuân đã nhẹ rơi nhưng vẫn không làm ảnh hưởng đến chuyến đi của các chư Tăng, phật tử. Rời chùa Cổ Am, đoàn tiếp tục di chuyển tới chùa Đức Hậu  nằm ở Làng Đức Hậu, nay là 3 xóm Xuân Hoa, Xuân Đồng, Xuân Đức – xã Nghi Đức, thành Phố Vinh. Trước kia Chùa lợp bằng tranh, chỉ có 2 gian. Hiện nay, Chùa đang được phục dựng lại. Gian nhà gỗ đặt trong Chính điện hiện nay là Gốc tích cổ nhất, đây là gian Thiêu Hương của Đền Đức Hậu, ngôi đền thờ Cao Sơn - Cao Các nằm phía Tây chùa Đức Hậu, được xây dựng từ thế kỉ XIV.















Trước khi quay trở lại chùa Diệc, kết thúc chuyến hành hương du xuân đầu năm Mậu Tuất, đoàn đã ghé thăm Chùa Da hay còn gọi là chùa Âu Lạc thuộc xã Hưng Lộc - thành phố vinh.  






Vào lúc 20h cùng ngày, chuyến hành hương du xuân đã kết thúc viên mãn dưới tiết trời se lạnh kèm theo những những giọt mưa nhưng trong lòng mỗi người con Phật tử đều cảm thấy an yên, bình thản, sẵn lòng đón một năm mới an lành.
                                        
                                                                                                           Hồ Trang - Đức Huy

CÁC BÀI VIẾT CÙNG CHỦ ĐỀ
TRAO ĐỔI CÙNG BẠN VỀ BÀI VIẾT
Comments
0 Comments

Không có nhận xét nào:

Lời thưa... Đóng lại Cảm ơn bạn đã đọc bài viết:
- Có ý kiến gì xin cùng nhau trao đổi.
- Viết bằng tiếng Việt có dấu để dễ đọc hơn.
- Nếu không đăng nhập blog, vui lòng ghi tên thật để tiện trao đổi.
Xin chào và chúc sức khỏe!

THÔNG BÁO

Thông báo: Ghi danh Khóa tu lần thứ 12

Thông báo!! V/v Tổ chức khoá tu dành cho tuổi trẻ lần thứ 12 Nhằm thiết thực hướng tới Đại lễ Vu Lan 2018, chào mừng Mùa Hiếu Hạnh...

Bài đăng mới nhất